Nhằm thực hiện mục tiêu của Đề án 844 và chính sách Hỗ trợ khởi nghiệp theo Nghị định 29/2020/NĐ-CP, chiều ngày 01/9/2021, Trường Đại học Lạc Hồng đã có buổi làm việc với Sở Khoa học công nghệ Đồng Nai. Tại buổi làm việc, về phía Trường Đại học Lạc Hồng có sự tham dự của TS. Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Văn Tân - Trưởng ban Đào tạo Khởi nghiệp cùng các thành viên CLB Khởi nghiệp; về phía Sở Khoa học công nghệ Đồng Nai có ông Nguyễn Ngọc Phương - Tổ trưởng Tổ triển khai hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phục vụ hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ông Đoàn Hùng Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học và công nghệ, ông Trần Tân Phong - Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học, ông Giang Vũ Văn - Phó chánh văn phòng Sở, ông Đặng Bá Mạnh - Trưởng phòng Tư vấn - Đào tạo cùng các cộng sự.
Trao đổi tại buổi làm việc, theo Sở Khoa học công nghệ hiện nay mặc dù chính sách hỗ trợ về khởi nghiệp đã có nhưng Sở chưa có không gian khởi nghiệp, chưa có đối tượng để hỗ trợ, hỗ trợ truyền thông, mua giáo trình, hoàn thành sản phẩm mẫu, quy trình công nghệ. Trong đó, Nhà trường đóng vai trò rất quan trọng, là đối tượng chính hình thành nên các doanh nghiệp sau này. Nhà trường cần đăng ký nhu cầu hỗ trợ và nhu cầu cung cấp thông tin đối với sở: quỹ, chuyên gia, không gian dùng chung... để đạt được mục đích chung là Đồng Nai có tên trên bản đồ khởi nghiệp. Hiện nay, giải pháp và ứng dụng khoa học công nghệ của Trường nhiều nhưng cần có liên kết với Sở để cùng nhau truyền thông đưa kết quả ứng dụng vào thực tế. Sắp tới phát triển nguồn tin KHCN: chuyên gia và bài báo, trích dẫn, có Sàn giao dịch KHCN ảo, trong đó Sở làm sàn ảo, trường làm sàn thật để cùng nhau cung cấp thông tin. Về chương trình đào tạo, Sở mong muốn phối hợp với trường để tổ chức khóa đào tạo, muốn gắn kết vườn ươm giữa các trường với nhau và giữa sở với trường, tập trung lĩnh vực nào là chủ đạo, ươm tạo từ ý tưởng thành dự án có thể khởi nghiệp được.
Về phía Trường Đại học Lạc Hồng, trong thời gian qua với mục tiêu đào tạo theo hướng ứng dụng, Trường đã đạt được một số kết quả nhất định về khởi nghiệp cũng như ứng dụng khoa học công nghệ. Hiện nay, tùy vào từng nhóm đối tượng mà trường có các gói đào tạo khác nhau, tương đương với từng chương trình học cụ thể như: Các chương trình đào tạo khởi nghiệp: SIYB của ILO, CEFE của Đức, IPP của Phần Lan, ACSE của Hội đồng Anh, MEP của Mỹ; triển khai không gian làm việc chung cho các nơi hay cuộc thi khởi nghiệp cấp trường, chương trình khám bệnh doanh nhân cho các đối tượng trước khi bắt đầu khởi nghiệp.
Buổi làm việc kết thúc hứa hẹn sẽ còn nhiều buổi tiếp theo, với sự phối hợp của hai bên, để cùng đạt được mục tiêu để Đồng Nai có tên trên bản đồ khởi nghiệp Việt Nam.
khởi nghiệp, khoa học, công nghệ, đào tạo