Tin tức & Sự kiện

Phản ứng với lãi suất cơ bản mới

Quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 12%, bỏ trần lãi suất huy động sẽ giải quyết được vấn đề gì và đặt ra vấn đề gì? SGTT xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia

Huỳnh Thế Du, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright:

Lãi suất cơ bản sẽ phải linh hoạt hơn nữa

Việc dỡ bỏ trần lãi suất và điều hành theo lãi suất cơ bản là hết sức cần thiết trong thời điểm này, vì với mức lãi suất tối đa (cả cho vay và vay) được nâng lên 18% tuy vẫn thấp hơn lạm phát, nhưng cũng ở một mức hợp lý để khuyến khích công chúng gửi tiền vào ngân hàng thay vì tích trữ ở các dạng tài sản khác như đô la, vàng… Khi tiền quay trở lại sẽ giúp giảm căng thẳng tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng, và việc điều hành chính sách tiền tệ cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát của Việt Nam trở nên dễ dàng và có tính khả thi cao hơn.

Hơn thế, tuy về bản chất, phương thức điều hành lãi suất mới vẫn là ấn định trần lãi suất, nhưng nó giúp các tổ chức tài chính linh hoạt hơn trong việc quyết định lãi suất để có thể huy động được thêm nguồn vốn đảm bảo cho khả năng thanh khoản, nhưng vẫn có thể hạn chế được những thiệt hại, những rủi ro sau này. Điều này có nghĩa là các ngân hàng sẽ chủ động hơn trong việc cân đối giữa mục tiêu đảm bảo thanh khoản cũng như đảm bảo hiệu quả hoạt động và gia tăng giá trị doanh nghiệp. Ba mục tiêu quan trọng nhất của bất kỳ một doanh nghiệp nào.

Việc khẳng định trần lãi suất cho vay chỉ là 18% sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng, vì các ngân hàng có thể chọn lọc các dự án có lãi suất sinh lợi phải chăng nhưng an toàn, chứ không tập trung vào những hoạt động có mức rủi ro quá cao.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là với những quy định hiện tại, rất khó xác định lãi suất 18% là như thế nào, do vậy khi áp dụng chính sách điều hành lãi suất mới, Ngân hàng Nhà nước cần phải làm rõ khái niệm lãi suất là tỷ lệ giữa số tiền mà bên vay phải trả trên số tiền thực vay. Nếu không, các tổ chức tài chính, những người rất giỏi với các phép tính rối rắm, có thể đưa ra mức lãi suất danh nghĩa chỉ là 18, nhưng thực ra người vay có thể phải trả lên đến 25 hay 30%. Trên thực tế điều này đang rất phổ biến với cái mà các ngân hàng gọi là lãi suất phẳng hay lãi suất tính theo số dư ban đầu. Con số thực tế phải trả gấp tới 1,8 lần lãi suất ghi trên hợp đồng.

Tôi xin nhắc lại, trong bối cảnh hiện tại, có lẽ cách thức điều hành lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra là hợp lý hơn cả, nhưng việc theo sát thị trường và có những điều chỉnh ngay là hết sức cần thiết. Hơn thế, trong một tương lai xa hơn, các cơ quan quản lý và điều hành chính sách tiền tệ cần thiết lập lại việc điều hành lãi suất dựa trên thị trường, vì các công cụ hành chính chỉ có thể áp dụng trong một giai đoạn ngắn hạn; nếu kéo dài sẽ gây ra những bóp méo không tốt cho sự phát triển của hệ thống tài chính nói riêng, nền kinh tế nói chung.


TS Nguyễn Quang A, viện Nghiên cứu phát triển IDS:

Cơ hội để sàng lọc

Do lãi suất trước đây không phù hợp, người dân không có khuyến khích để gửi tiền VND vào ngân hàng mà lại đem đầu tư vào các lĩnh vực khác càng gây khó khăn cho hệ thống tiền tệ và nền kinh tế (việc mua vàng, mua ngoại tệ mà sự gia tăng nhập vàng và khan hiếm ngoại tệ có thể là chỉ báo).

Lãi suất tăng sẽ gây khó khăn cho nhiều dự án kinh doanh, làm giảm tăng trưởng kinh tế, người ta thường nghĩ như vậy. Không sai. Song lãi suất tăng là một chỉ báo, là một công cụ vô cùng hiệu quả để buộc các doanh nghiệp, các chủ đầu tư cân nhắc, tính toán về hiệu quả kinh doanh và đầu tư. Họ sẽ buộc phải giãn, hoãn hay chấm dứt những việc kinh doanh kém hiệu quả (không lãi nhiều hay lỗ) và tập trung nguồn lực, kể cả tiền vay, vào các dự án hay công việc kinh doanh có hiệu quả (cao hơn lãi vay). Nó hữu hiệu hơn ngàn lần lời “hô hào” tiết kiệm, cân nhắc, giãn hay hoãn của các nhà chức trách.

Nếu tăng ở mức phù hợp, lãi suất là công cụ vô cùng hữu hiệu để phân bổ nguồn lực xã hội, làm sạch thị trường, sàng lọc giữa việc kinh doanh hiệu quả và không hiệu quả.


Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội:

Sẽ có hiện tượng dân rút tiền ra để gửi lại

Sắp tới chắc chắn người dân, doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi họ sẽ gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn, nhưng các ngân hàng cũng phải lưu ý và chấp nhận khả năng người dân rút tiền ra để gửi lại, hưởng mức lãi suất cao hơn.

Quyết định này của Ngân hàng Nhà nước chắc chắc sẽ tạo hiệu quả nhanh hơn trong việc chống lạm phát về tiền tệ. Có thể nó chưa đảm bảo lãi suất thực dương, nhưng là bước đi vững chắc để thực hiện điều đó. Trước mắt, các doanh nghiệp có thể phải tiếp cận với nguồn vốn vay với chi phí cao hơn. Thậm chí, sẽ có những ngân hàng vẫn cho vay vượt mức 150% lãi suất cơ bản mà luật quy định. Các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ và giá cả cũng có thể bị tác động. Trong ngắn hạn, một số ngân hàng do tính thanh khoản kém, nhu cầu về tiền đồng cao có thể đẩy lãi suất lên cao, nhưng việc này cũng không đáng lo lắm. Sẽ khó có cuộc chạy đua về lãi suất huy động, vì các ngân hàng sẽ không thu tiền vào rồi để đấy mà dựa vào nhu cầu của xã hội để quyết định cho vay ở mức phù hợp.

Việc khẳng định trần lãi suất cho vay chỉ là 18% sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng, vì các ngân hàng có thể chọn lọc các dự án có lãi suất sinh lợi phải chăng nhưng an toàn, chứ không tập trung vào những hoạt động có mức rủi ro quá cao

 

 

www.sgtt.com.vn

cơ bản, lãi suất, phản ứng


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        13,846,914       1/553